Hồ khí sinh học phủ bạt hdpe
Phân loại và đặc điểm của kiểu hồ khí sinh học phủ bạt HDPE
Công nghệ khí sinh học kiểu hồ phủ bạt HDPE đã phát triển trên thế giới từ rất lâu, nhất là ở các nước nhiệt đới với điều kiện tự nhiên thuận tiện về nhiệt độ và có nhiều diện tích đất. Hồ khí sinh học phủ bạt là kiểu công trình khí sinh học vừa kinh tế, vừa dễ sử dụng vì chi phí đầu tư ban đầu thấp và công tác vận hành bảo dưỡng cũng rất dễ dàng, không sử dụng nhiều nhân công, không mất nhiều thời gian và chi phí vận hành cũng thấp. Có rất nhiều kiểu hồ khí sinh học phủ bạt đang ứng dụng như:
Kiểu tiên tiến trong hồ có lắp bộ phận khuấy trộn và gia nhiệt để duy trì và đảm bảo các điều kiện tối ưu cho quá trình lên men kỵ khí như nhiệt độ luôn đạt trên 20oC, dịch lên men được khuấy trộn thường xuyên tạo thành một môi trường đồng nhất và hạn chế tối đa khả năng hình thành váng trên bề mặt dịch lên men, đồng thời làm cho vi khuẩn luôn được tiếp xúc với nguyên liệu mới nạp vào vì thế năng suất khí của các công trình này rất cao và hiệu quả xử lý cũng tốt. Kiểu này gồm có các loại như sau:
– Hồ che phủ
– Hồ che phủ khuấy trộn đều
– Hồ che phủ hiệu suất cao
Kiểu hồ khí sinh học che phủ đơn giản không có bộ phận khuấy trộn và gia nhiệt. Kiểu này nguyên lý hoạt động của công trình đơn giản, môi trường lên men kỵ khí của công trình hoàn toàn theo các điều kiện tự nhiên của môi trường xung quanh. Một số loại công trình thuộc kiểu này gồm:
– Hồ phân hủy kỵ khí thông thường
– Hồ phân hủy kỵ khí có bộ phận lấy cặn và chu kỳ lấy lắng cặn của kiểu hồ này là 6-8 năm.
Kiểu hồ khí sinh học phủ bạt HDPE phổ thông ở Việt Nam là kiểu công trình đơn giản nhất, nguyên liệu có thể tự chảy vào hồ, hoặc được bơm vào hồ trong điều kiện nước thải không tự chẩy được. . Công trình có cấu trúc là một hồ đất với độ sâu từ 2,5 – 6m (có thể sâu hơn đến 8m nếu hồ được làm ấm) để phù hợp cho quá trình phân hủy kỵ khí xảy ra, đáy hồ và thành hồ được lót cùng loại bạt với tấm phủ nhưng có độ dày mỏng hơn, thông thường người ta dùng loại bạt có độ dày là 0,5mm để làm tấm lót. Các tấm phủ được che kín toàn bộ mặt hồ có tác dụng đảm bảo môi trường kỵ khí trong hồ phân hủy và chứa khí sinh ra trong hồ. Bạt phủ HDPE có độ dày từ 0,75mm trở lên tùy thuộc vào thể tích của hồ phân hủy. Thể tích của hồ khí sinh học phủ bạt rất linh động, có thể vài chục, vài trăm tới hàng nghìn và vài chục nghìn m3.
Vật liệu phủ và ưu nhược điểm của hồ khí sinh học phủ bạt HDPE
Bạt nhựa HDPE hay màng chống thấm HDPE là một loại bạt địa kỹ thuật có tỷ trọng PE (polyetylen) cao so với các sản phẩm khác. Đặc điểm nổi bật của bạt HDPE là ít bị thủng, có khả năng chống bức xạ tia cực tím, chống nứt tốt dưới tác
động của môi trường. Bạt HDPE cũng có khả năng gắn kết tốt, chịu được nhiệt và hoá chất, mức độ đàn hồi cao nên dễ gia công bằng các kỹ thuật hàn nhiệt thông thường đảm bảo kín khí và kín nước tạo các điều kiện thuận tiện cho quá trình lên men trong bể phân huỷ. Bên cạnh đó HDPE có dạng mặt nhẵn (láng) và dạng mặt nhám dùng tăng ma sát khi trải trên sườn dốc/ mái dốc của các hồ có độ sâu lớn. Màu sắc chủ đạo của bạt HDPE là màu đen chuẩn, màu này cũng có tác dụng hấp thụ bức xạ mặt trời hỗ trợ nhiệt độ cho quá trình lên men trong hồ phân giải kỵ khí. Tỷ lệ tổn thất khí ở những hồ xây lắp đạt tiêu chuẩn chỉ ở mức 3-5% là mức độ cho phép của các hệ thống khí sinh học có phương thức nạp liên tục và cách vận hành đơn giản như các kiểu bể truyền thống khác .
Bạt HDPE ở Việt Nam sử dụng chế tạo hồ khí sinh học gồm rất nhiều chủng loại và nguồn gốc khác nhau, nhưng phổ biến nhất là các loại được sản xuất từ 4 nước chủ yếu Thái Lan, Đài Loan, Malaysia và Việt Nam. Các loại bạt này được cuộn thành từng cuộn có độ dài 100m đến 300m và 2 khổ rộng phổ biến là 5m và 8m với độ dầy từ 0,3 đến 2mm. Đặc tính kỹ thuật của các loại bạt HDPE là yếu tố chính quyết định các ưu nhược điểm của hồ khí sinh học phủ bạt như tóm tắt như sau:
Ưu điểm:
– Chi phí đầu tư thấp so với công trình xây bằng gạch hoặc bê tông có cùng thể tích;
– Có thể thiết kế một cách linh hoạt cho các qui mô hồ khí sinh học có thể tích khác nhau;
– Thi công đơn giản, xây dựng nhanh;
– Vận hành, bảo dưỡng đơn giản;
– Độ bền của bạt HDPE trong điều kiện nhiệt đới kéo dài trên 20 năm;
Nhược điểm:
– Chiếm diện tích mặt bằng lớn;
– Bạt HDPE dễ bị rách khi gặp lửa, hoặc các vật sắc nhọn đâm vào;
– Hiệu quả sinh khí thấp hơn các bể xây.
Cảm ơn các bạn đã xem bài viết và chúc các bạn thành công!
Xem thêm: